Logo hỗ trợ Trợ giúp

trợ giúp nhanh

Đăng tin

Bài viết hay?

Bất động sản nghỉ dưỡng 2018: Nhiều thị trường mới tiềm năng

08:22 - 01/12/2017

Năm 2017 ghi nhận sự bùng nổ của hàng loạt dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng quy mô "khủng". Bất động sản nghỉ dưỡng 2018 tiếp tục có nhiều thị trường mới tiềm năng...

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn thu hút dòng tiền của các "ông lớn"

Bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam: Tiềm năng trong dài hạn!

Bất động sản nghỉ dưỡng: Muốn hút khách phải thay đổi cách đầu tư?

Nhiều thị trường mới tiềm năng

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam không ngừng đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực, dịch vụ. Nổi bật tại thị trường bất động sản là nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã ra đời cung cấp hàng chục ngàn phòng lưu trú cho khách du lịch. Đặc biệt là các địa điểm nổi tiếng như Quy Nhơn, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc,…

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tính đến hết tháng 10/2017 Việt Nam đón gần 10,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng khách đến bằng hàng không đạt gần 8,88 triệu lượt, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, khách du lịch nội địa đạt 63,1 triệu lượt, trong đó có 30,5 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 417.400 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Tiêu biểu trong các thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phải kể đến Đà Nẵng, dự kiến đến cuối năm 2017, thành phố biển này sẽ có thêm khoảng 3.800 phòng từ 21 khách sạn được khai trương, nâng tổng số phòng lên hơn 16.800 phòng, tăng 40% so với năm 2016. Trong vòng 10 năm, nguồn cung khách sạn 3 – 5 sao tại Đà Nẵng tăng 31%, tốc độ tăng trưởng khách du lịch 22%.

Tương tự, tại Nha Trang (Khánh Hoà), tính đến hiện tại, thành phố này có hơn 15 dự án liên quan đến căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, với khoảng hơn 15.000 căn hộ đã, đang triển khai xây dựng, trong đó có hơn 2.000 căn đã đưa vào khai thác kinh doanh. Theo kế hoạch, trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm nữa, bất động sản nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa sẽ đưa ra thị trường khoảng 17.000 sản phẩm (trong đó có 1.500 căn biệt thự và 15.500 căn hộ du lịch).

Ngoài ra, Vân Đồn (Quảng Ninh) từ khi được đưa vào dự thảo Luật Hành chính kinh tế – đặc biệt cũng “hút” nhiều dự án đầu tư hàng tỷ USD.
 

Việt Nam có nhiều tiềm năng về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

Tại Diễn đàn thường niên bất động sản lần thứ I vừa được tổ chức ngày 15/11, ông Lương Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Vietstar phân tích rằng, mục tiêu đến 2020 của Việt Nam là cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nên “ngành kinh tế chiến lược của đất nước là du lịch và phải là du lịch”. Theo đó, bất động sản và du lịch luôn có sự phát triển cộng hưởng lẫn nhau, phụ thuộc vào nhau và cùng chịu ảnh hưởng vào khá nhiều chính sách chung của Nhà nước.

Theo ông Nam có hai lý do để tin tưởng vào chiến lược phát triển này. Thứ nhất, Việt Nam có khả năng cạnh tranh, có tiềm năng về du lịch, từ thiên nhiên ưu đãi đến văn hoá, lịch sử. Thứ hai, đối với ngành du lịch, chúng ta đủ sức đầu tư, vận hành và đủ sức kinh doanh.

Ông Nam nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, du lịch tăng trưởng không có lý gì bất động sản nghỉ dưỡng không đi theo. Ngành du lịch đang cần rất nhiều căn hộ nghỉ dưỡng. Do đó, trong trung hạn không có khả năng xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng".

Bên lề Diễn đàn, nói về những cơ hội mới cho bất động sản nghỉ dưỡng, GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT chia sẻ: “Trước hết chúng ta có ba đặc khu có những đặc trưng là địa điểm du lịch lớn cho nên chính ba đặc khu này sẽ là tiềm năng để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng. Rõ ràng là Khánh Hòa, Phú Quốc, Quảng Ninh đều là 3 nơi có sức hút về du lịch lớn, vậy chính sách nào để ba đặc khu này phát triển bất động sản nghỉ dưỡng là điều cần phải bàn tới.

Điều nữa là khi phát triển du lịch thì sẽ kéo kinh tế ở ba đặc khu này phát triển hơn nữa và hình thành nên những đô thị hiện đại tại đây. Đô thị lớn hình thành thì có nghĩa là sẽ hình thành ba vùng kinh tế trọng điểm Bắc - Trung - Nam, có tác dụng kích thích phát triển kinh tế trong nước. Tôi cho rằng, cần có những chính sách cho 3 đặc khu này để kích thích sự phát triển kinh tế và đồng thời theo nghị quyết của Trung ương là chúng ta có thể thử nghiệm thể chế ở 3 đặc khu này và nếu thành công thì chúng ta có thể áp dụng ở các nơi khác”.

Tọa đàm chuyên đề bất động sản nghỉ dưỡng ngày 15/11

Thị trường hấp dẫn vốn FDI

Cũng tại Diễn đàn, ông Đỗ Chí Hiếu, Giám đốc đầu tư lĩnh vực bất động sản Tập đoàn Vina Capital nhận định rằng hiện nay các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng như khách sạn nội đô, khu nghỉ dưỡng dài hạn, dịch vụ quản lý đang thực sự hấp dẫn vốn FDI.

Ông Hiếu chứng minh rằng, Việt Nam đang là điểm đến hàng đầu của khu vực về bất động sản nghỉ dưỡng. Bởi chúng ta là một trong những nước trên thế giới có lượng khách du lịch tăng trưởng mạnh, hạ tầng được chú trọng phát triển. Bên cạnh đó, số lượng cung phòng khách sạn tăng trưởng rất cao. Đó là điều kiện để thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng.

Ông Hiếu khẳng định: "Xu hướng chính của nhà đầu tư hiện nay là đầu tư những dự án giá trị, xây dựng những điểm đến có giá trị và việc khai thác đầu tư theo dòng tiền hiện nay ở Việt Nam cực kỳ cao. Các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng hấp dẫn vốn FDI hiện nay là khách sạn nội đô, khu nghỉ dưỡng dài hạn, dịch vụ quản lý bất động sản nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí.

Đặc biệt, đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng và đào tạo đội ngũ nhân sự chính là hướng phát triển bền vững, có thể nói là xu hướng trong tương lai. Chúng ta nên khuyến khích người lao động tham gia vào lĩnh vực này. Riêng ở khu vui chơi giải trí thì rất khó tìm thấy ở Hà Nội. Tương tự, ở TP. HCM có thể tìm thấy công viên như Suối Tiên… nhưng cũng ít. Hiện nay, du khách không chỉ đến khu nghỉ dưỡng để nghỉ mà còn tìm xem ăn gì, chơi gì. Nói thế để có thể khẳng định rằng, lĩnh vực này đang có nhiều tiềm năng và nhu cầu như thế nào".

Giới chuyên gia từng nhận định rằng lượng vốn FDI đổ vào bất động sản trong nửa đầu năm 2017 khoảng 530 triệu USD, trong đó có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng của các nhà đầu tư nước ngoài thì đây là con số không nhỏ. Hơn nữa, lượng khách du lịch quốc tế đang tăng trưởng ấn tượng cũng là yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục đà bứt phá trong năm tới.

GS Đặng Hùng Võ cho rằng: “Xác định chính sách nào để hút được vốn cho thị trường bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng chính là câu chuyện chúng ta cần nghĩ. Điển hình như chính sách cho người nước ngoài sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng giống như nhà ở đã được quy định trong Luật Nhà ở thì đó cũng là một cách thu hút vốn đầu tư của cá nhân nước ngoài. Tôi cho rằng đó là những cách thức để thu hút vốn của từng cá nhân và có thể áp dụng ở những thị trường khác một cách phù hợp”.

Các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng như khách sạn nội đô, khu nghỉ dưỡng dài hạn, dịch vụ quản lý đang thực sự hấp dẫn vốn FDI.

Năm 2018 và những kì vọng về chính sách

Trong thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, condotel vẫn là một loại hình mới nên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có các văn bản pháp luật liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn của loại hình bất động sản này. Bên cạnh đó, quy định về quản lý vận hành vẫn còn chưa rõ ràng, dẫn đến xảy ra xung đột giữa chủ đầu tư và khách hàng là khó tránh khỏi.

Được biết, UBND tỉnh Khánh Hoà đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ Xây dựng, Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc này; đồng thời tìm nhiều hướng có thể vận dụng cấp phép. Bởi căn hộ khách sạn phải được xem là một tài sản, phải cấp quyền sở hữu từ đó mới tạo niềm tin cho các nhà đầu tư thứ cấp.

Điều đó có nghĩa là, khi vấn đề pháp lý sổ đỏ cho Condotel được giải quyết trong thời gian tới thì đồng nghĩa sẽ tháo gỡ được những cản trở cho thị trường bất động sản nghĩ dưỡng, câu chuyện thanh khoản cũng trở nên dễ dàng hơn.

Ông Lương Hoài Nam cho rằng: “Thực ra bất động sản nghỉ dưỡng là vấn đề mới nên pháp luật cũng cần có thời gian để hoàn thiện. Điều rất quan trọng là coi condotel như nhà ở hay là cơ sở lưu trú khách sạn? Vấn đề chẳng qua là cơ chế. Gần đây chúng tôi được biết có thông tư hướng dẫn nghị định 01, trong đó có đề cập tới condotel. Tôi nghĩ đây là bước đột phá. Tựu chung lại, condotel là 1 tài sản. Các luật cho phép tài sản thì được chuyển nhượng. Cơ sở pháp luật đã rõ nhưng chưa có nghị định thông tư chi tiết nên khách hàng còn lúng túng".

Liên quan đến vấn đề condotel được Bộ Xây dựng công nhận là một mặt hàng kinh doanh, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết: “Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng đưa condotel là một loại hàng hóa. Như thế để nói rằng áp dụng luật thì chúng ta đã có loại hình này rồi chỉ là cách quản lý, thiết kế và kiểm soát được vấn đề như thế nào. Cụ thể, nếu coi condotel là một loại hàng hóa thì cần có những tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế như cầu thang, diện tích phòng hay một tiêu chí nào đó…”.

Như vậy, năm 2018 với những tiềm năng về thị trường và khách hàng cũng như cơ hội nới rộng chính sách về cấp sổ đỏ cho condotel là điều kiện để tăng sự hấp dẫn, tính thanh khoản của sản phẩm, thu hút đầu tư, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng có tiềm năng tiếp tục phát triển cả chiều sâu và chiều rộng.

(Theo Reatimes)

Các bài viết liên quan

Về trang chủ