Logo hỗ trợ Trợ giúp

trợ giúp nhanh

Đăng tin

Bài viết hay?

Doanh nghiệp BĐS loay hoay tìm nguồn vốn sau khi tín dụng bị siết chặt

08:30 - 01/03/2018

Theo HoREA, dòng vốn FDI và nguồn kiều hối vẫn tiếp tục là nguồn lực quan trọng đầu tư vào nền kinh tế và thị trường bất động sản trong năm 2018

Siết chặt tín dụng bất động sản nhằm ngăn chặn "bong bóng"?

Siết chặt tín dụng bất động sản: Cơ hội thanh lọc thị trường

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản dự đoán, 2018 là năm có nhiều hứa hẹn và sôi động của thị trường bất động sản, nhất là phân khúc nhà ở bình dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Quỳnh - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hợp tác Thịnh Vượng cho hay, thị trường bất động sản năm 2018 sẽ chuyển biến tích cực, tăng trưởng tốt, kế thừa những thuận lợi từ 2016 - 2017 và đi chuyên sâu vào các phân khúc bình dân. Phân khúc này đang có nhu cầu khá lớn ở thị trường, là nhu cầu ở thật. Bên cạnh đó, ông Quỳnh cho rằng khu vực liền kề cũng rất hứa hẹn với những khách hàng là nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Thị trường bất động sản 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực và ổn định

Phân khúc nào lên ngôi

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành dự đoán phân khúc giá 1 tỷ - 1,5 tỷ đồng/căn hộ sẽ chiếm phần lớn, riêng phân khúc 5 - 7 tỷ đồng/căn hộ sẽ chững lại bởi vì đang “bội thực” nguồn cung. Hơn nữa, chất lượng thiết kế cũng như chất lượng sống không đạt được như mong muốn của khách hàng, và việc thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng hạn chế đầu tư vào bất động sản.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường bất động sản năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực và ổn định. Trong đó, phân khúc thị trường căn hộ vừa túi tiền có 1-2 phòng ngủ, có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn vẫn là phân khúc chủ đạo và có tính thanh khoản cao nhất của thị trường bất động sản. Phân khúc nhà ở xã hội sẽ phát triển mạnh hơn và phân khúc thị trường cao cấp sẽ có sự tái cấu trúc mạnh mẽ để phù hợp với sức mua của thị trường.

Hiệp hội này cũng nhận thấy khó có thể xảy ra "bong bóng" bất động sản trong năm 2018. Lý do là có sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước và do các doanh nghiệp cũng sẽ nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường. Cùng với đó, các nhà đầu tư thứ cấp và người tiêu dùng thông minh ngày càng tỉnh táo và am hiểu thị trường hơn.

FDI, kiều hối “đổ bộ”, DN giảm lãi hay tăng giá?

Năm 2018, dòng vốn FDI của nhà đầu tư nước ngoài và kiều hối của người Việt Nam ở nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam dự kiến tăng cao. Tỷ lệ kiều hồi đổ vào bất động sản vào khoảng 21 - 22%, chỉ đứng sau lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Với sự ổn định từ 11 - 12 tỷ USD những năm qua thì mỗi năm bất động sản hút khoảng 2,5 tỷ USD từ dòng tiền này.

Bên cạnh đó, chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà đang dần cởi mở hơn cũng là một trong những tín hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản năm tới.

Ông Nguyễn Văn Đực cho rằng bất động sản là cánh cửa cuối cùng mà doanh nghiệp nước ngoài chưa mặn mà, nên thời điểm này họ nhảy vào Việt Nam là đương nhiên. Nhất là hiện nay, trong nước có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó, phải bán mình hoặc bán một phần cho nhà đầu tư nước ngoài để tăng uy thế, năng lực vốn.

“Đối với những doanh nghiệp thuần Việt sẽ gặp nhiều khó khăn khi ít vốn, uy tín không có mà lại phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài sừng sỏ”, ông Đực nói và cho hay việc doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm sẽ diễn ra nhiều hơn trong tương lai.

Theo HoREA, dòng vốn FDI và nguồn kiều hối vẫn tiếp tục là nguồn lực quan trọng đầu tư vào nền kinh tế và thị trường bất động sản trong năm 2018. Bên cạnh đó, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án (M&A) sẽ phát triển mạnh hơn trong năm 2018 sẽ đẩy nhanh việc thực hiện các dự án, và góp phần sàng lọc thị trường bất động sản.

Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Quỳnh cho rằng, FDI và kiều hối có nhiều tác động tích cực đến thị trường bất động sản 2018. Tuy nhiên, người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam sẽ dễ dàng hơn nhưng thuộc về phân khúc cao cấp, vị trí trung tâm, tập trung ở các đô thị lớn với chất lượng cao cấp hơn so với dòng bình dân. “Tôi vẫn thiên về dòng bình dân, trung bình, lượng đó là lượng cho người Việt sử dụng lớn mà chưa thể đáp ứng được”, ông Quỳnh cho hay.

Kiều hối và FDI có tác động mạnh đến thị trường bất động sản Việt Nam năm 2018.

Sự tham gia của các nhà đầu tư FDI vào thị trường Việt Nam cũng hứa hẹn tạo nên một thị trường sôi động hơn, thúc đẩy việc hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ giảm áp lực lệ thuộc ngân hàng của doanh nghiệp bất động sản.

"Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam cũng sẽ làm tăng tính cạnh tranh ở cả lĩnh vực phân phối và phát triển bất động sản và yêu cầu các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực của mình" - ông Quỳnh cho biết.

Ở khía cạnh khác, theo ông Quỳnh, việc dòng vốn FDI vào tăng thêm tính cạnh tranh thì doanh nghiệp phải giảm lãi. Các nhà đầu tư xây dựng phải tìm công nghệ mới để hạ giá thành xuống, công nhân phải chuyên nghiệp hơn. “Tôi dự đoán giá bất động sản năm tới sẽ tăng nhưng không tăng mạnh, chỉ khoảng 3-4%. Nếu tăng nhanh quá thì sẽ không bền vững”, ông Quỳnh nêu.

Doanh nghiệp tìm vốn ở đâu?

Năm tới, ông Quỳnh bày tỏ sự lạc quan ở mặt bán hàng hay đầu tư. Tuy nhiên, doanh nhân này vẫn bày tỏ lo ngại về vốn vì ngân hàng nhà nước “siết” tín dụng từ 60% xuống 45% năm 2018 và 40% năm 2019.

Ông Quỳnh cho rằng tín dụng lĩnh vực kinh doanh bất động sản năm 2017 tăng 8,56% so với năm 2016, chỉ chiếm 6,53% dư nợ nền kinh tế (năm 2016 tăng tới 12,86% và chiếm tỷ trọng 7,71% dư nợ nền kinh tế) cũng khá an toàn, chưa đáng lo ngại.

Bên cạnh đó, hạn mức cho vay của ngân hàng cho bất động sản được kiểm soát chặt, cân đối và thẩm định hồ sơ cho vay bất động sản khá an toàn. Ví dụ như chỉ cho vay 70% trong căn hộ 3-4 tỷ, mà giá bát động sản hiện nay không phải là giá ảo, vẫn an toàn vì tăng GDP 6,81% còn tăng bất động sản chỉ 4,5%.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, cũng vì lý do trên mà doanh nghiệp hiện nay rất khó vay được ngân hàng nếu chưa đủ thủ tục pháp lý. Ngân hàng cũng đang rà soát lại những gói của tư nhân, doanh nghiệp vay tiêu dùng nhưng thực chất là đổ vào bất động sản để hạn chế việc đầu tư bất động sản quá nhiều, tránh gây bong bóng như các đây 10 năm. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm đến các nguồn vốn khác như từ người dân, từ M&A, phát hành cổ phiếu, trái phiếu…

Trước bối cảnh này, HoREA cũng khuyến nghị đến các doanh nghiệp bất động sản cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, chuẩn bị được quỹ đất, chú trọng chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án, tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích khách hàng... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng theo chính sách mới hiện nay.

 

(Theo Enternews)

Các bài viết liên quan

Về trang chủ