Logo hỗ trợ Trợ giúp

trợ giúp nhanh

Đăng tin

Bài viết hay?

Môi giới bất động sản : Cần hướng tới chuẩn mực

03:21 - 02/02/2018

Thị trường bước sang giai đoạn phát triển mới, khách hàng sẽ khó tính hơn buộc môi giới phải chuyên nghiệp hơn. Khi đó, những người môi giới bán chuyên, tự do, kỹ năng yếu sẽ bị đào thải dần dần và sẽ chỉ còn những người môi giới thực sự chuyên nghiệp.

Nghề môi giới bất động sản cần trang bị những kiến thức gì?

Môi giới bất động sản dưới một góc nhìn khác

"Môi giới là một nghề quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, do cách làm ăn chộp giật của nhiều môi giới, hoạt động này thời gian vừa qua có sự thiếu chuyên nghiệp, gây nhiễu thị trường và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Nếu không thay đổi, dự kiến trong 5 năm tới, nhân sự chuyên nghiệp ngành môi giới sẽ thiếu hụt trầm trọng".

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản với Đầu tư Bất động sản.

[?] Môi giới bất động sản (BĐS) là một nghề quá quen thuộc trong cuộc sống. Đây cũng là đội ngũ có đóng góp lớn trong việc kết nối cung cầu, phát triển thị trường BĐS. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế hiện nay cho thấy lượng môi giới chuyên nghiệp, có kỹ năng, trình độ là rất ít. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Kể từ khi Luật Kinh doanh BĐS ra đời, môi giới bất động sản đã được pháp luật thừa nhận và coi là một nghề chân chính. Hoạt động môi giới cũng được nêu rất rõ trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Trong thời gian vừa qua, hoạt động môi giới thể hiện rất rõ vai trò khi đóng góp không nhỏ vào sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của thị trường BĐS.

Thế nhưng, bên cạnh những gì đạt được, không phủ nhận rằng hoạt động môi giới hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập. Thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho thấy, hiện nay trên cả nước có tổng cộng khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 100.000 người là môi giới chuyên nghiệp, tức là hoạt động thường xuyên tại các sàn, còn lại đa số là nghiệp dư.

Nếu tính sát sao hơn theo quy định tại Thông tư số 11/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng, người môi giới phải qua khâu sát hạch và được cấp chứng chỉ, thì tính đến nay mới chỉ có khoảng 30.000 người được cấp chứng chỉ hoạt động môi giới chuyên nghiệp.

Số lượng môi giới ngoài kiểm soát quá lớn, do không được đào tạo về nghề, thường tay ngang chuyển sang BĐS 1 - 2 năm trở lại đây khi thấy thị trường nóng lên. Đồng thời, do không được huấn luyện về nghiệp vụ cũng như đạo đức, nên gây ra nhiều bức xúc trên thị trường, cũng đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới đội ngũ môi giới hoạt động chân chính.

Ảnh minh họa

[?] Mặc dù đã quy định các môi giới phải có chứng chỉ hành nghề mới được tham gia thị trường, nhưng theo ông, vì sao vẫn nhiều môi giới hoạt động tự do, vô tổ chức như vậy?

Theo tôi, một phần từ sức hấp dẫn của thị trường và phần trăm hoa hồng môi giới quá lớn nên nhiều người nhắm mắt lao vào nghề môi giới. Có lúc tôi hay nói vui với anh em rằng, môi giới bây giờ thậm chí cạnh tranh khốc liệt với bà bán hột vịt lộn, cô bán ve chai…, nhưng đó là sự thật.

Những môi giới không chuyên chẳng cần kiến thức, kỹ năng, môi giới thành công một vài căn ban đầu thì tự nghĩ rằng mình đủ khả năng mà không biết rằng chẳng qua thị trường quá sôi động, nên dù không cần họ thì người mua cũng chủ động tìm đến chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau đó thấy khó quá, một số người bắt đầu làm liều và lừa đảo khách hàng. Hiện tượng này thực tế không hề ít.

Cũng cần phải nói thêm các lý do khác là việc tiếp cận thông tin, kiến thức về quy chuẩn chung trong hoạt động hành nghề, quy tắc đạo đức vẫn còn hạn chế và chưa có nhiều chương trình đào tạo thực sự chất lượng để những người có mong muốn theo nghề môi giới sẵn sàng tham gia.

Việc học mót từ người này sang người khác dẫn đến những lỗ hổng về quy trình nghiệp vụ rất lớn. Đó cũng là vấn đề mà Hội Môi giới trăn trở suốt thời gian vừa qua.

[?] Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này được không?

Trước đây, việc cấp chứng chỉ được giao cho các sở, ngành của địa phương thực hiện. Có nơi làm bài bản, nhưng cũng có nơi còn lỏng lẻo nên chất lượng hành nghề của các môi giới không cao. Vấn đề này đã được giải quyết theo tinh thần của Luật Kinh doanh BĐS 2014, nhưng việc phổ cập thực hiện vẫn còn chưa được rộng rãi.

Bên cạnh đó, hiện nay, chế tài xử phạt người không có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn hoạt động môi giới BĐS vẫn chưa thực sự răn đe, chủ yếu phục thuộc vào ý thức của người môi giới và những sàn môi giới muốn làm ăn chuyên nghiệp, bài bản.

Dẫu vậy, tôi cho rằng, dù có nâng chế tài hay không, việc nâng tầm chuẩn mực chuyên nghiệp môi giới BĐS sớm muộn cũng phải thực hiện. Bởi khi thị trường bước sang giai đoạn phát triển mới, khách hàng sẽ khó tính hơn buộc môi giới phải chuyên nghiệp hơn. Khi đó, những người môi giới bán chuyên, tự do, kỹ năng yếu sẽ bị đào thải dần dần và sẽ chỉ còn những người môi giới thực sự chuyên nghiệp, được đào tạo một cách bài bản.

(Theo Đầu tư)

Các bài viết liên quan

Về trang chủ