Logo hỗ trợ Trợ giúp

trợ giúp nhanh

Đăng tin

Bài viết hay?

Quán chè ân tình 40 năm của người Sài Gòn

02:45 - 18/10/2017

Đi qua bao nhiêu năm tháng, cùng với sự đổi thay của Sài Gòn, quán chè năm xưa vẫn vậy. Ngay góc đường Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Đình Chiểu, quán chè 40 năm lụp xụp với những túi chè được treo lủng lẳng sẽ là hình ảnh ghi nhớ của những ai từng có dịp đi qua nơi này.

Hẻm Sài Gòn, đi đến bao giờ mới trọn

Gánh xôi xéo 3 miền tồn tại suốt 70 năm giữa lòng Sài Gòn

Chúng tôi tìm đến quán chè cô Bùi Thị Lộc (60 tuổi, quê Quảng Ngãi) vào một chiều mưa. Quán chè hơn 40 năm, lặng lẽ đi qua bao nhiêu thế hệ con người ở nơi này.

Cô Lộc bên quán chè 22 món của mình.

Hành trình rời quê hương mưu sinh

Nép mình trú mưa trong gánh chè của cô Lộc, chúng tôi đã được nghe kể về cuộc đời hơn 40 năm sinh nhai quanh một gánh chè. Theo lời cô Lộc, cô là người Quảng Ngãi, vì tìm kế sinh nhai mà trôi dạt vào Sài Gòn.

Chỉ với tấm bảng viết tay đơn sơ, quán chè của cô đã tồn tại hơn 40 năm.

Thuở ban đầu, với món chè đậu ván được dạy từ một người bà con, cô Lộc đã lang thang khắp nơi để tìm kế sinh nhai. Ngày trước, gia đình khổ cực nên cô chưa từng có được một bữa cơm đúng nghĩa. Hôm bán hết nồi chè đầu tiên, cô mừng đến phát khóc khi đã có thể mua được gạo cho cả gia đình.

Chè đậu ván - Món chè đầu tiên cô học được. 

Nhớ lại cảm giác đó, cô tâm sự: "Ngày bán được nồi chè đầu tiên, cô đã đi mua ngay 1kg gạo về ăn cho đã, sau khoảng thời gian mấy tháng trời cô không được ăn cơm. Thèm cơm lắm”.

Dù mưa hay nắng,cô Lộc vẫn gắn bó với quán chè suốt 40 năm không một ngày ngừng nghỉ.

Ân tình Sài Gòn

Ngày qua ngày, gắn bó với hàng chè mưu sinh, cô tìm được sự bao dung của những người sống nơi đây. Trong một lần bán cho một khách hàng xa lạ, cô được chỉ dẫn: “Ở Sài Gòn, cô bán chè phải treo lên thì người ta mới biết cô bán gì trong đó chứ!”. Ngẫm lại thấy đúng, cô treo từng túi chè lên trên xe để thu hút sự chú ý của mọi người.

Những túi chè muôn màu muôn vị thu hút bao thế hệ.

Rồi sau đó, với sự giúp đỡ của Hội liên hiệp phụ nữ, cô dần học thêm được những món chè mới. Tới nay, tổng cộng hàng của cô đã có hơn 20 loại chè khác nhau, mang lại sự lựa chọn phong phú cho thực khách.

Sau thời gian học hỏi, quán chè của cô hiện tại đã hơn 20 loại chè khác nhau.

Các túi chè được vào sẵn để kịp bán.

Muôn vàn cảm xúc

Cô cho biết, nhiều khi muốn đi đâu đó dăm bảy ngày nhưng sợ khách tới nơi không có chè vì quán nghỉ bán nên cô lại thôi, tiếp tục phục vụ mọi người. Cứ lần nữa mai, để rồi gánh chè đơn sơ đã giữ chân cô suốt 40 năm ròng rã.

Chồng cô Lộc, người phụ cô bán chè bao lâu nay.

Qua lời cô kể, có những người từ thuở bé đã được ba mẹ dẫn đến quán, rồi lớn lên đi học thì kéo bè bạn cùng đến, ra trường đi làm rồi có con, lâu lâu vẫn tìm đến cô để thưởng thức vị chè ngày xưa.

Những người dân nơi đây khó lòng mà quên được quán chè của cô Lộc.

Cô tâm sự: “Ở quê cô người ta khổ lắm, đến cơm còn không có để ăn huống chi là chè. Người dân Sài Gòn thì dễ thương, biết quan tâm chia sẻ với nhau. Đôi lúc cô chú cũng vẫn nhận được quà của mọi người, đêm đêm có mấy đứa nhỏ ghé lại gửi hộp cơm, chai nước. Người dân ở đây giàu tình nghĩa lắm!"

"Người Sài Gòn giàu nghĩa tình lắm con ạ!"

Đến tối, khi chè đã hết hàng, cô thu xếp rồi ra về trước. Chú ở lại dọn dẹp, tháo dây điện, xếp gọn gàng mọi thứ lên chiếc xe rồi đẩy về. Chặng đường đi và về mỗi ngày khoảng 4km, nhưng chú luôn xem là chuyện "muỗi". Để rồi sáng hôm sau, cả nhà lại bắt tay nấu những nồi nước đường đầu tiên cho đêm kế tiếp.

Chè của cô là vậy, ăn nhiều ắt sẽ ngán ngán, mà lâu không ăn lại thấy thèm. Cũng vì thế suốt thời gian qua, xe chè 22 món góc đường Đinh Tiên Hoàng luôn là một trong những địa điểm hấp dẫn của bao thế hệ.

Dường như Sài Gòn đã ưu ái cho cô, cũng như đã, đang, và sẽ tiếp tục ưu ái cho biết bao người chọn lập nghiệp ở mảnh đất này.

(Theo KulNews)

Các bài viết liên quan

Về trang chủ