Logo hỗ trợ Trợ giúp

trợ giúp nhanh

Đăng tin

Bài viết hay?

Bất động sản Đà Nẵng thu hút nhà đầu tư Nhật Bản

08:33 - 24/01/2018

Sự xuất hiện của doanh nghiệp Nhật trên thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ tạo ra tác động tích cực và làm cho thị trường tốt hơn, minh bạch hơn, phát triển bền vững hơn.

Bất động sản Đà Nẵng: Nhiều dự án tung hàng đầu năm

Đất nền sốt ảo, nhiều dự án treo tại Đà Nẵng

Làn sóng nhà đầu tư đến từ đất nước mặt trời mọc đang lớn dần tại Đà Nẵng khi ngày càng nhiều dự án mang dấu ấn Nhật Bản mọc lên tại TP biển xinh đẹp này.

Một dự án của nhà đầu tư Nhật Bản đang đầu tư tại Đà Nẵng

Sau một thời gian tương đối im tiếng, Khu du lịch Xuân Thiều do Công ty CP Đầu tư du lịch Xuân Thiều làm chủ đầu tư được "sang trang mới" khi Tập đoàn khách sạn Mikazuki từ Nhật Bản dự kiến sẽ chi hơn 100 triệu USD nhằm mục tiêu đầu tư phát triển khu phức hợp dịch vụ bao gồm khách sạn đạt chuẩn 5 sao, khu công viên nước, công viên trò chơi và khu ẩm thực tại dự án. Đây được xem là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất vào bất động sản du lịch Đà Nẵng năm 2017, năm đánh dấu sự kiện quốc tế APEC mở ra một cơ hội cực lớn về thu hút đầu tư cho địa phương.

Những dự án triệu USD

Trước đó vào tháng 3/2017, Công ty TNHH Sun Frontier Việt Nam thuộc Sun Frontier Fudousan Co.,Ltd. là Tập đoàn bất động sản hàng đầu Nhật Bản đã tổ chức lễ khởi công dự án Khu căn hộ cao cấp Garden Tower tại Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng trên khu đất có diện tích hơn 2.000m2 với 306 căn hộ. Theo giới thiệu, đây là dự án theo tiêu chuẩn Nhật Bản với mức giá dao động từ 1,8 tỷ đến hơn 7 tỷ đồng, tuỳ vào số tầng, diện tích, hướng view…

Cùng với việc đầu tư vào căn hộ hay resort, phân khúc khách sạn cũng được các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản quan tâm để đón đầu xu hướng ngày càng có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản cũng như khách du lịch đến với TP biển này.

Vào giữa năm 2017, Tập đoàn khách sạn hàng đầu Nhật Bản Route Inn của tỉ phú Katsutoshi Nagayama đã khai trương khách sạn 4 sao Grandvrio City Da Nang trên đường Đống Đa. Đây cũng là dự án đầu tiên của tập đoàn này tại Việt Nam với vốn đầu tư 400 tỷ VND.

Được biết, hiện tập đoàn này có 4 thương hiệu là Hotel Route Inn; Route Inn Grantia; Grandvrio Hotel; Ark Hotel với 273 khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Nhật và 01 khu nghỉ dưỡng cao cấp tạo Saipan (Mỹ). Ngoài ra, tập đoàn còn có 21 nhà hàng, 5 quần thể sân golf và nghỉ dưỡng, 9 khu tắm khoáng nóng phong cách Nhật, 01 khu trượt tuyết và dự kiến đến năm 2018 sẽ hoàn thành thêm 23 dự án ở Nhật Bản.

Nói về lý do đầu tư vào Đà Nẵng, ông Katsutoshi Nagayama cho biết, trước đây ông không có ý định đầu tư ra nước ngoài nhưng nghe các công ty lữ hành, các khách hàng sử dụng dịch vụ của Route Inn ở Nhật Bản chia sẻ rất nhiều câu chuyện về Đà Nẵng nên cách đây 2 năm tôi đã đến TP Đà Nẵng. “Khi đến đây, tôi cảm nhận được tình cảm ấm áp của người dân, quang cảnh TP rất tuyệt vời nên tôi quyết định chọn đây làm nơi đầu tiên để đến với Việt Nam!”.

Cùng với dự án nói trên, theo tìm hiểu của DĐDN, hiện nay có một số khách sạn đang hoạt động trên các tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Đống Đa... thuộc sở hữu của người Nhật.

Xu hướng nhất thời hay tất yếu?

Trong báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2017, Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện Nhật Bản đang đứng vị trí thứ nhất với 9,11 tỉ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư. Riêng về lĩnh vực bất động sản, nếu tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2017 đạt gần 36 tỉ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016 thì bất động sản giữ vị trí thứ 3, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký.

Tại Đà Nẵng, theo số liệu thống kê mới nhất, trong năm 2017 Đà Nẵng có 97 dự án FDI được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 116 triệu USD. Lũy kế đến nay, Đà Nẵng có 546 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD.Trong đó, Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 629 triệu USD (chiếm 20,7%).

Chính làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Đà Nẵng gia tăng mạnh trong thời gian qua trở thành yếu tố thu hút các nhà đầu tư bất động sản của Nhật. Nguyên nhân là người Nhật thường có khuynh hướng đầu tư “theo sau”, các doanh nghiệp đi trước dẫn dắt các doanh nghiệp đi sau và thường khép kín nên việc các nhà đầu tư bất động sản Nhật Bản “đổ vốn” vào thị trường Đà Nẵng để đáp ứng nhu cầu người Nhật sang làm việc tại đây cũng là điều dễ hiểu.

Theo vào đó, dưới góc nhìn vĩ mô, nhiều chuyên gia cùng có chung nhận định khi cho rằng, với vai trò là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017, Đà Nẵng đã trở thành tâm điểm của thế giới. Cùng với đó, với những nỗ lực trong việc hoàn thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, Đà Nẵng là điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngoài ra, trong thời gian qua,“thương hiệu” Đà Nẵng đang dần được công nhận trên toàn cầu, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành du lịch. Với lợi thế về khí hậu ấm áp, bãi biển tuyệt đẹp và nền văn hóa địa phương đặc sắc… bất động sản Đà Nẵng đã thật sự trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn.

Ông Đỗ Minh Dương – một chuyên gia bất động sản cho rằng sự xuất hiện của doanh nghiệp Nhật trên thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ tạo ra tác động tích cực và làm cho thị trường tốt hơn, minh bạch hơn, phát triển bền vững hơn bởi người Nhật vốn nổi tiếng với tính kỷ luật và tiêu chuẩn cao, vì vậy các dự án có người Nhật tham gia thường nhấn mạnh vào tiêu chí chất lượng, tiện dụng.

“Chất lượng Nhật Bản đã nổi danh toàn cầu nên sự có mặt của dự án Nhật tại Đà Nẵng sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh về chất lượng, dịch vụ trên thị trường và để tránh bị “rớt lại phía sau”, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản không còn cách nào khác là phải tự thay đổi mình bằng cách nâng cao chất lượng dự án từ đó thị trường sẽ tốt lên” – ông Dương khẳng định.

(Theo Enternews)

Các bài viết liên quan

Về trang chủ